Thứ Hai, 5 tháng 12, 2016

Cho trẻ tập đi toilet thế nào?

Mẹ có biết, đa số các trẻ bắt đầu đi toilet từ 2-4 tuổi. Tuy nhiên, ở mỗi trẻ khác nhau thì mỗi khác, một số trẻ sẵn sàng đi toilet vào khoảng 18 tháng tuổi.


Dấu hiệu nào giúp cha mẹ nhận biết trẻ đã sẵn sàng đi toilet để hỗ trợ trẻ trong từng bước một của quá trình tập đi toilet? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu nhé!

 Trẻ tập đi toilet


Những dấu hiệu cho biết trẻ đã sẵn sàng là:

• Trẻ tỏ ra thích thú về cái cầu tiêu, cái bô – như quan sát bạn đi toilet chẳng hạn, hoặc thích các sách hướng dẫn về điều này bằng hình ảnh.

• Trẻ giữ tã khô trong vài giờ liên tiếp.

• Trẻ bắt đầu tự có lịch tiêu tiểu riêng, mà bạn có thể dự đoán được, hoặc có biểu hiện biết được mình sắp đi tiêu, tiểu.

• Khi ngồi cầu, hoặc bô, trẻ ngồi vững và giữ thăng bằng được.

• Trẻ có thể nghe hiểu và làm theo những hướng dẫn đơn giản.

• Trẻ có thể cho bạn biết khi trẻ cần dùng bô.

• Trẻ có biểu hiện muốn được tự lập.

Việc luyện con đi cầu không xảy ra ngay lập tức, mà có thể cần khoảng 3-6 tháng để trẻ bỏ luôn tã 24/24 vì vậy cha mẹ cần thu xếp thời gian và kiên nhẫn.

Lên kế hoạch:

• Khi bắt đầu muốn tập cho con, nên để ý cho con mặc đồ dễ cởi ra, kéo lên kéo xuống, để đi toilet

• Sử dụng những từ đơn giản, dễ hiểu, nhất quán, để cho con làm quen và ghi nhớ ý nghĩa của những từ này: như đi cầu, đi tè, hoặc poo poo, pee pee, con chim, con bướm...

• Nên tránh dùng các từ biểu cảm tiêu cực như hôi quá, í ẹ quá, ghê quá....trong quá trình tập này, vì bé sẽ để ý, và lo sợ, không hợp tác vui vẻ và hiệu quả được.

• Nên cho con thấy cách bạn dùng toilet, một cách tự nhiên, hoặc giả bộ chơi trò chơi, cho thú nhồi bông ngồi toilet chẳn ghạn

• Lúc nào cũng đi theo con vào toilet

Thực hành:

• Tạo một thói quen, cho trẻ ngồi trên bô, hoặc cầu tiêu, ở những giờ nhất định trong ngày, ví dụ như, sau giờ ăn, hoặc sau thức dậy, trước khi đi ngủ....

• Giúp trẻ làm quen với việc ngồi bô, ngồi cầu – ban đầu có thể ngồi chơi, không cần cởi quần cởi tả, vài lần sau cho trẻ cởi tả ra, rồi ngồi cầu.

• Nên để ý đến sự thoải mái và tư thế vững, chắc của con khi ngồi. Nhiều bé ngồi bồn cầu sẽ sợ và không thích, vì chân bé không chạm sàn an toàn được.

• Để ý các dấu hiệu trẻ chuẩn bị đi tiêu tiểu, để nhanh chóng gợi ý giúp con. nên khuyến khích trẻ nói cho bạn biết khi được, và nếu trẻ báo được, dù là báo hơi trễ, cũng nên mở lời khuyến khích khen con, không nên chê bai, dè bỉu, bạn nhé

• Trẻ trai ban đầu có thể ngồi để tè, sau đó có thể tập tè đi đứng sau.

• Trẻ có thể không tự vệ sinh sau tiêu tiểu được, nhưng bạn nên tập cho con thấy. thường trẻ chỉ tự làm được hiệu quả khi trẻ khoảng 4-5 tuổi, trước khi vào lớp 1 mà thôi.

• Dạy trẻ rửa tay sau tiêu tiểu.

• Khi trẻ ngồi bô, cầu tốt, nên chuyển sang mặc quần không, không mặc tã nữa!

• Nên nhớ, trẻ khi luyện thành công, vẫn có thể bị vài lần “tai nạn”, và là chuyện bình thường.

Nếu bạn thấy không luyện toilet cho con thành công, có nghĩa là con bạn chưa sẵn sàng cho chuyện này. Nên đợi thêm 1-3 tháng nữa rồi hẵng tập lại cũng vừa.

Trẻ khi luyện toilet ban ngày thành công, vẫn cần một thời gian để luyện giữ khô hẳn ban đêm. Bạn có thể vẫn tiếp tục cho con mặc tã ban đêm, nhưng nếu trẻ cần đi tè giữa đêm, nên khuyến khích trẻ tè vào bô, hoặc toilet, và cho trẻ biết trẻ có thể kêu bạn trợ giúp chuyện này vào ban đêm.

Khi trẻ khô tã nguyên đêm trong vài ngày liên tục, nên thử bỏ tả ban đêm, mặc quần mà thôi. Để không ướt giường, bạn có thể để một miếng lót nhựa dưới tấm ra giường.

Nếu khi bỏ tã ban đêm, mà trẻ lại tiếp tục tè ban đêm, bạn có thể cho trẻ mặc tã lại, đợi một vài tuần, rồi thử bỏ tã ban đêm lần nữa.

Bạn nên cho trẻ đi khám bác sĩ, hoặc tư vấn bác sĩ nếu:

• Trẻ trên 4 tuổi mà vẫn chưa tập đi toilet được

• Trẻ đã thành công trong việc tập toilet một thời gian dài, trên 6 tháng, và lại có dấu hiệu thụt lùi, không tự đi toilet được nữa.

• Trẻ nín cầu, đi cầu bị đau, hoặc có máu trong phân

• Bị đỏ vùng bướm ở trẻ gái, nước tiểu đục màu, có mùi hôi, hoặc đột nhiên trẻ muốn đi tiểu nhiều lần, và gấp gáp (dấu hiệu nhiễm trùng tiểu)
Bs. Huyên Thảo
>> Xem thêm: 


EmoticonEmoticon