Người xưa có câu: “Phải để cho mỗi đứa trẻ ngẩng cao đầu mà bước đi.” “Ngẩng cao đầu” ở đây có nghĩa là tràn đầy niềm tin với bản thân, với tương lai và với những công việc mình đảm nhiệm, trẻ tự tin sẽ luôn tự nhủ rằng: “Mình có thể làm được!”, “Mình không thua kém ai!”, “Mục tiêu của mình nhất định sẽ đạt được!”, “Mình là giỏi nhất!”, “Trở ngại nhỏ thế này, đối với mình chẳng là gì!”… Nếu mỗi học sinh đều có được suy nghĩ này, thì nhất định chúng sẽ tiến bọ không ngừng, trở thành học sinh giỏi toàn diện cả về đạo đức, trí tuệ và thể lực. Do đó, khích lệ trẻ tự tin chính là một vấn đề mà cha mẹ nên chú trọng.
Vậy, nên làm thế nào để bồi đắp lòng tự tin cho trẻ?
- Tôn trọng trẻ, giúp trẻ tạo dựng hình tượng đẹp về bản thân.
Hình tượng bản thân chính là cách nghĩ và sự đánh giá của một người với chính bản thân mình. Bởi vì tuổi còn nhỏ nên cách nghĩ và sự đánh giá đối với bản thân của trẻ thường bắt nguồn từ cách nghĩ và đánh giá của người lớn đối với chúng. Trẻ hình thành sự tự tin thường có quan hệ mật thiết với cha mẹ. Do đó, cha mẹ cần phải tôn trọng trẻ, giúp trẻ xây dựng hình tượng đẹp về bản thân.
Ai ai cũng có lòng tự trọng và mong muốn được người khác tôn trọng, con trẻ cũng không phải ngoại lệ. Hơn nữa, lòng tự trọng và việc có được sự tôn trọng của người khác chính là động lực tâm lý đầu tiên giúp trẻ hình thành sự tự tin. Một đứa trẻ không có lòng tự trọng sẽ không thể nào có được sự tự tin.
Việc tôn trọng con trẻ không phân biệt thời gian, địa điểm và cũng không phụ thuộc vào việc trẻ có nhiều ưu điểm hay nhiều khuyết điểm. Nếu cha mẹ chỉ tôn trọng khi trẻ đạt được thành tích, còn khi trẻ thất bại, cha mẹ lại trách mắng, thì thật sai lầm. Cha mẹ cần đặt mình vào vị trí của trẻ để suy nghĩ: “Nếu mình có khuyết điểm và mắc lỗi, mình sẽ hy vọng người khác đối xử với mình như thế nào?”.
Trong cuộc sống thường ngày, cha mẹ nên coi trẻ như một cá nhân bình đẳng, cố ý để trẻ tham dự vào một số công việc gia đình, cùng trẻ thảo luận một số sự việc, từ đố khiến trẻ cảm nhận được năng lực của bản thân và sự tín nhiệm của cha mẹ đối với mình.
Nếu cha mẹ tôn trọng trẻ thì đừng nên nói những lời lăng mạ nhân cách và làm tổn thương đến lòng tự trọng của trẻ. Cha mẹ không nên thường xuyên nói với trẻ những câu như: “Con thật là vô tích sự!”; “Trẻ con thì hiểu cái gì!”; “Việc của người lớn, trẻ con biết gì mà xen vào?” Như vậy, trẻ sẽ cảm thấy mình không thể giành được sự tín nhiệm của cha mẹ, từ đó cũng không có cách nào để có được sự tự tin. Tùy tiện lăng mạ, trừng phạt và đánh mắng trẻ là những hành vi làm tổn thương nghiêm trọng nhất đến lòng tự trọng của trẻ. Xin các bậc cha mẹ hãy nhớ rằng: đừng bao giờ vì thể diện của mình mà gây tổn hại đến lòng tự trọng của trẻ.
EmoticonEmoticon